Phương pháp đọc sách hiệu quả

Bước 1: Xác định mục đích đọc sách. 

Đây là vấn đề rất quan trọng. X.I. Povarlin đã nói: "Phương pháp đọc tuỳ thuộc vào mục đích, và hoàn toàn do mục đích quy định". Mục đích đọc sách sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc sách. Xác định được mục đích đọc sách sẽ giúp người đọc tránh được việc đọc tràn lan, tốn công sức và thời gian. Mục đích đọc còn giúp người đọc lựa chọn cách đọc hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ và thời gian có thể dành cho đọc sách.

Xác định mục đích đọc sách là trả lời câu hỏi: "Đọc để làm gì?". Từ đó mới trả lời được câu hỏi: "Đọc sách gì, chỗ nào, và đọc như thế nào?". 

Mục đích đọc sách còn quyết định cả phương hướng khai thác các vấn đề trong cùng một cuốn sách. Ví dụ, khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, người yêu thơ thì tìm cách diễn đạt các sự vật, hiện tượng bằng thơ và những câu thơ lục bát hay; có người tìm hiểu cuộc đời nàng Kiều và cốt truyện; có người tìm hiểu về đời sống văn hoá, phong tục, tập quán, lễ nghi phong kiến; có người đi tìm sự phê phán những định kiến và luật lệ đã áp bức người phụ nữ... Vì vậy, xác định rõ mục đích đọc sách là việc quan trọng đầu tiên đối với mỗi chúng ta. 

Bước 2: Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách. 

Cần đọc trang đầu và trang cuối của cuốn sách để biết: 

  •   Tên cuốn sách. 
  •   Tên tác giả. 
  •   Tên nhà xuất bản. 
  •   Năm xuất bản. 
  •   Lần xuất bản. 

Có người vừa đọc xong một cuốn sách hay sau đó gặp bạn thân và trò chuyện huyên thuyên với người bạn này về quyển sách đó. Nhưng khi người bạn hỏi tên cuốn sách và tên tác giả để tìm đọc, thì lại không nhớ. Bạn có rơi vào tình trạng này bao giờ chưa? Nếu có thì chắc chắn là bạn đã bỏ qua thao tác tưởng chừng không quan trọng ở bươc 2. 

Mặt khác, những thông tin này còn rất tiện lợi khi đi mua sách và tìm sách trong thư viện. Người đọc có thể cung cấp những thông tin về cuốn sách cần tìm cho nhân viên nhà sách hoặc thủ thư, và họ sẽ giúp bạn tìm cuốn sách đó một cách dễ dàng.

Bước 3: Xem mục lục. 

Mục lục cuốn sách cho biết dàn ý chung và nội dung, đôi khi còn phản ánh cả dàn ý logic của nó. Bước này giúp người đọc giải đáp được câu hỏi: "Cuốn sách có những nội dung gì, được sắp xếp theo trật tự nào?". 

Bước 4: Xem lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu. 

Cần đọc lời giới thiệu hay lời tựa để biết cuốn sách đề cập đến nội dung gì và cuốn sách này dành cho đối tượng nào. 

Lời nói đầu do tác giả cuốn sách viết. Qua lời nói đầu, người đọc dễ dàng hiểu được ý đồ của tác giả, hình dung được một cách khái quát vấn đề cơ bản được đề cập và tác dụng; mục đích của cuốn sách mà tác giả mong muốn; biết vấn đề quan trọng nhất cuốn sách sẽ trình bày.

Bước 5: Xem lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách. 

Mục đích của việc xem lời kết luận và tóm tắt của cuốn sách nhằm nắm được nội dung cô đọng nhất, những kết luận chính và sự khẳng định của tác giả đối với những vấn đề đã trình bày. Đồng thời, qua lời kết luận và tóm tắt, người đọc biết được các vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ, định hướng phát triển trong tương lai. 

Theo nguyên tắc, tác giả phải viết lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách. Nhưng hiện nay một số tác giả bỏ qua công việc này. 

Bước 6: Đọc một vài đoạn. 

Sau khi đã có được thông tin về nội dung và mục đích cuốn sách, người đọc trực tiếp tìm hiểu nội dung bằng cách đọc qua một số đoạn, phát hiện những đoạn mình thích và có giá trị. Nhờ đọc qua một vài đoạn như vậy, những nhận định về nội dung cuốn sách sẽ dần được chính xác hoá, tạo điều kiện cho bước đọc sau. 

Bước 7: Đọc thực sự (hay đọc đi sâu) 

Để lĩnh hội được những tri thức cần thiết, đạt được mục đích đọc sách, người đọc cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Công việc này đòi hỏi người đọc phải có kĩ thuật đọc. Kĩ thuật đọc là năng lực chiếm lĩnh tri thức và kĩ năng đọc của mỗi người. Kĩ thuật đọc phụ thuộc vào mục đích đọc, thể hiện thông qua cách đọc. Sau đây là một số cách đọc mà bạn có thể tham khảo và lựa chọn tuỳ theo mục đích của mình. 

Đọc lướt qua: Nhằm khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung trong cuốn sách. Với những người có năng khiếu, chỉ cần đọc lướt đã nắm được ý chính, cái mình cần... Khi đọc lướt, có thể bỏ qua một số trang, đoạn, hoặc dừng lại ở một số trang, đoạn nào đó. Cách đọc này sử dụng khi đọc nhằm tìm hiểu một vấn đề cụ thể đã được chuẩn bị, cần làm rõ; hoặc tìm những cách diễn đạt khác nhau cho cùng một vấn đề.

Đọc có trọng điểm (hay đọc từng phần): Là cách đọc từng đoạn, từng phần đã lựa chọn từ trước nhằm tập trung công sức và thời gian cho những nội dung cần thiết. 

Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ: Cách đọc này nhằm khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể. Khi đọc không bỏ sót trang, cũng không dừng lại suy ngẫm ở một nội dung cụ thể mà chỉ nắm xem điều đó đã được đề cập đến ở mức độ nào. Với các cuốn sách mình chưa biết xu hướng, tư tưởng, giá trị... cũng có thể đọc theo cách này. 

Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách: Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết trong tự học để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách. Từng nội dung, từng vấn đề được xem xét, tìm hiểu cặn kẽ, có đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm và những cuốn sách khác về những vấn đề đã được đề cập trong đó. Những nội dung, tư tưởng của cuốn sách được người đọc đánh giá, phê phán và hiểu một cách đầy đủ. 

Đọc thụ động: Cũng với cách đọc toàn bộ hay đọc lướt, nhưng người đọc hoàn toàn theo sự dẫn dắt của tác giả, chấp nhận hoàn toàn, lấy đó làm những tín điều; nhìn nhận và xem xét vấn đề bằng con mắt của tác giả. 

Đọc chủ động: Là cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng đề cập trong cuốn sách, người đọc luôn đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ những nhận thức đó người đọc có thể rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân. 

Đọc nông: Chỉ khai thác nội dung, tư tưởng cuốn sách ở trình độ chấp nhận hoặc có phê phán chung chung mà chưa thể hiện được sự nghiền ngẫm cuốn sách một cách thấu đáo. Khi đọc những cuốn sách giải trí thì cách đọc này là phù hợp. 

Đọc sâu: Là cách đọc đòi hỏi phải nghiền ngẫm sâu sắc nội dung cuốn sách để hiểu cặn kẽ, lĩnh hội có phê phán những tư tưởng mà cuốn sách đề cập. Đây cũng là cách đọc quan trọng được sử dụng trong tự học. 

Mỗi cách đọc sách nêu ở trên có thể phù hợp cho những mục đích đọc và tuỳ từng loại sách khác nhau. Với các loại sách khoa học và kĩ thuật, đọc với mục đích học tập, nghiên cứu phải đọc một cách chủ động, nghiền ngẫm sâu sắc, đi sâu vào nội dung từng vấn đề trong sách. Như vậy, càng thấy rõ, bạn cần có mục đích đọc sách rõ ràng trước khi bắt đầu đọc một cuốn sách. 

Đọc sách khoa học nhằm mục đích học tập, nghiên cứu, người đọc không chỉ đọc một lần, mà có khi phải đọc nhiều lần mới đạt được mục đích đã đề ra. Vì vậy, người ta còn chia việc đọc ra thành đọc lần đầu và đọc đi sâu. 

Đọc lần đầu chỉ giúp người đọc có những cơ sở định hướng cho các lần đọc tiếp theo đạt kết quả. Chính từ kết quả đọc lần đầu, người đọc có thể thấy được nội dung quan trọng và cần thiết với bản thân, lần đọc sau người đọc chỉ cần chú tâm vào những nội dung đó. Mỗi lần như vậy lại khám phá sâu thêm nội dung cuốn sách, xác định điều cần tìm hiểu cho lần đọc sau, thu hẹp dần phạm vi đọc, cứ như vậy cho tới khi bạn thấu hiểu cuốn sách, hoàn thành mục đích đọc thì việc đọc đó mới dừng lại. V.I. Lenin đã khuyên chúng ta: "Sau lần đọc đầu tiên phải ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để trở lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư...".

Cần phải tích cực tư duy khi đọc: 

Tích cực tư duy khi đọc là luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những biểu tượng, hình ảnh trong đầu; đối chiếu, so sánh chúng với nhau và với những hiểu biết đã có. Từ đó phát hiện được nội dung chính, nắm được bản chất, rút ra được kết luận cho bản thân.

Đọc có tư duy tích cực là phải rút ra được ý nghĩa từ nội dung cuốn sách, bổ sung hiểu biết, kinh nghiệm cho bản thân. Cần tránh lối đọc một chiều, lười suy nghĩ, lười ghi chép; đọc thụ động, chấp nhận tất cả hoặc học thuộc một cách máy móc.

Nếu tích cực tư duy trong quá trình đọc sách, người đọc sẽ cảm thấy trưởng thành hơn sau mỗi trang sách. 

Tập trung chú ý cao độ khi đọc sách: 

Tập trung chú ý là nỗ lực, cố gắng định hướng toàn bộ tâm trí một cách liên tục vào việc đọc nhằm suy nghĩ thấu đáo, tư duy tích cực và ghi nhớ nhanh những điều rút ra trong quá trình đọc. Đây là việc khó, đòi hỏi phải có đam mê, nghị lực và mục đích thật rõ ràng. 

Đừng bao giờ tản mạn ra khỏi nội dung cuốn sách; hoặc để ý tới những chi tiết vụn vặt như in ấn, câu chữ... Cố gắng không để những công việc khác, hoặc tác động từ bên ngoài làm xao nhãng quá trình tư duy trong khi đọc. Khi gặp vấn đề khó hiểu thì không nản chí. Hãy cố gắng suy nghĩ hoặc ghi chép lại để tìm hiểu sau. Làm được như vậy thì việc đọc mới có hiệu quả. 

Rèn luyện để có kĩ thuật đọc hợp lí: 

Kĩ thuật đọc sách bao gồm từ khâu tổ chức, xác định phương pháp đọc và các thao tác đọc. Khâu tổ chức đọc sách trước hết là sự bố trí, sắp xếp và bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho việc đọc có hiệu quả. 

  • Chọn nơi đọc sách thích hợp để có thể tập trung tư tưởng cao và liên tục. 
  • Tránh những nơi ồn ào, ánh sáng luôn thay đổi hoặc không đủ ánh sáng. 
  • Vị trí thoáng mát, sạch sẽ và gọn gàng. 
  • Không nên đọc sách trong tư thế nằm, dễ ảnh hưởng đến trí nhớ. Tốt nhất là đọc tại bàn viết, ngồi thoải mái, để sách vừa tầm mắt. 
  • Bút, vở ghi chép và các dụng cụ cần thiết khác để bên cạnh khi cần có thể lấy được ngay. 

Một số lưu ý khi đọc sách: 

  •   Đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng. 
  •   Tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều. 
  •   Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc. 
  •   Đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn quan trọng đọc chậm, đọc kĩ; đoạn không quan trọng đọc nhanh, đọc lướt. 
  •   Cố gắng hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu. 
  •   Tập đọc nhanh, nắm ý chính. 

Người đọc nên rèn luyện thường xuyên, nâng dần tốc độ đọc hợp lí. V.I. Lenin đọc sách như giở sách mà vẫn nắm đầy đủ và sâu sắc nội dung cuốn sách. Người đọc cần cố gắng từng bước để có thể đưa mắt trên trang sách và nắm được nội dung chính của cả đoạn.

Cần tập phán đoán ý khi đọc. Nếu đọc nhằm mục đích giải quyết hoặc khẳng định cho một vấn đề thì chỉ cần lướt tìm đến nội dung mình cần.

Tuy nhiên, cần hiểu đọc nhanh không phải đọc vội vàng mà nắm ý thật nhanh, thật đúng và đủ nội dung, chứ không phải đưa mắt nhanh trên những câu chữ. 

Để rèn luyện tốc độ đọc, người đọc lấy một cuốn sách, chọn một trang, hay một phần trọn vẹn rồi đọc thật nhanh một lượt. Vừa đọc, vừa cố nắm nội dung. Sau đó, suy nghĩ về nội dung vừa đọc. Lặp lại lần nữa nhằm xác định xem nội dung nắm được ở lần đọc trước đã đầy đủ, và chính xác chưa. Lần sau cố gắng đẩy nhanh tốc độ đọc. Nên lặp lại vài ba lần cho đến khi nắm được đầy đủ và đúng chính xác nội dung.

Thông qua đó người đọc nâng dần được tốc và kiểm soát được chất lượng đọc sách. Khi đạt được tốc độ đọc vừa ý, người đọc cần luyện tập thường xuyên để nâng cao kỹ năng. 

Ghi chép một cách khoa học những điều đã đọc: 

  • Đọc sách có hiệu quả thể hiện ở kết quả ghi chép. Đọc sách không thể thiếu ghi chép. 
  • Ghi chép trong quá trình đọc sách sẽ tăng cường được sự chú ý, giảm mệt mỏi. 
  • Ghi chép còn giúp người đọc kiểm tra mức độ lĩnh hội tài liệu, tạo cơ sở để ghi nhớ những kiến thức đã tiếp thu. 
  • V.I. Lenin có trí nhớ tuyệt vời, nhưng người luôn ghi chép đầy đủ những điều đã đọc, đã nghĩ. 
  • D.I. Mendeleev nói: "Ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt". 

Sưu tầm từ nhiều nguồn.