Da điện tử từ lâu đã được được coi là phát minh quan trọng trong lĩnh vực robot. Sự xuất hiện của loại vật liệu này có thể giúp tạo ra những hệ thống robot nhạy cảm và khéo léo, có thể phản ứng tốt hơn nhờ khả năng cảm nhận bề mặt vật thể. Nói cách khác, da diện tử đóng vai trò mang đến khả năng cảm nhận xúc giác (tương đối đầy đủ) cho robot.
Sở dĩ nói da diện tử mang đến khả năng xúc giác hạn chế cho robot là bởi loại vật liệu này hiện đã có thể phản ứng với tác động bên ngoài hay cảm nhận được nhiệt độ bề mặt nó tiếp xúc, tuy nhiên lại chưa thể cảm nhận được cảm giác đau do tác động từ bên ngoài như con người. Tuy nhiên điều này sẽ sớm thay đổi bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học RMIT Australia mới đây đã phát triển thành công một loại da nhân tạo có thể phản ứng khá tốt với cơn đau giống như con người. Loại da này được mô ta là có thể cung cấp phản hồi "gần như tức thì" đối với mức áp suất và nhiệt độ chạm ngưỡng chịu đựng của con người. Nguyên mẫu mà các nhà khoa học giới thiệu được làm bằng lớp màng điện tử có thể co giãn và cực kỳ mỏng (oxit và silicone tương thích sinh học), trong đó có tích hợp cảm biến áp suất, lớp phủ phản ứng với nhiệt độ và các tế bào trí nhớ giống như của não bộ.
Kỹ sư Md Ataur Rahman, người đứng đầu nhóm nghiên cứu đại học Đại học RMIT cho biết loại da điện tử này đủ tinh tế để phân biệt tương đối chính xác sự khác biệt giữa lực tác động cũng như loại hình tác động ngoại lực mà nó phải chịu. Chẳng hạn, hệ thống cảm biến có thể nhận biết lực tác động từ một chiếc đinh ghim và một cú đấm. Tất cả nhờ vào thiết kế bắt chước các tế bào thần kinh, đường dẫn thần kinh và thụ thể định dẫn các giác quan của con người.
Dự án trên hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có thể ứng dụng đại trà trong thực tế. Tuy nhiên, tiềm năng ở đây là rất rõ ràng. Theo các nhà khoa học loại da điện tử này có thể được ứng dụng dùng làm cả chân tay giả lẫn mang lên robot. Robot khi được tích hợp loại da điện tử đặc biệt này sẽ sở hữu được một tính năng mới chưa từng có trước đây: Có thể tái tạo hoàn hảo khả năng xúc giác của con người, từ đó có thể sử dụng cho những nhiệm vụ phức tạp, nguy hiểm.
Ngoài ra, phát minh này cũng có thể được ứng dụng trong lĩnh vực y tế, chẳng hạn như việc ghép da không xâm lấn mà các phương pháp thông thường hiện nay không thực sự hiệu quả.
Nguồn tham khảo: quantrimang.com